Trong các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, dân tộc Tày có kỹ thuật  nhuộm chàm điêu luyện. Để thùng chàm có mùi thơm người dân tộc Tày có những bí quyết và kỹ thuật truyền thống mà họ đã tích luỹ qua nhiều thế hệ. Khi lên men thùng chàm, các loại lá thơm thu hái từ núi rừng hoặc trồng trong vườn nhà, được rửa sạch hết bụi bẩn, sau đó mỗi loại chọn một nhánh, hoặc vài lá, bó lại và xếp dưới đáy thùng chàm. Vỏ cây núc nác, chỉ lấy phần xơ phía ngoài cùng, màu vàng, xắt 3 lát mỏng dài, đặt xuống dưới đáy thùng cùng bó lá thơm. Các loại lá thơm dùng phổ biến đó là: Lá dăm, củ sả, lá trầu không, lá bưởi, lá chanh: không chỉ có tạo dụng làm thơm, mà còn sạch khuẩn, giúp thùng chàm lên men tốt hơn. Các loại lá trên rừng khác có tác dụng tạo bọt, vải ăn màu đậm đà khác cũng được coi là “ bí quyết” của người dân tộc Tày.


Dung dịch chàm được lên men trong môi trường kiềm, vì vậy tro bếp thu được sau khi đun củi gỗ cứng rất quan trọng, tro bếp được lọc nhiều lần, lấy phần trong và cho vào thùng chàm cùng nước sạch.

Nước để gây thùng chàm thông thường dùng nước khe suối trong lành, hoặc nguồn nước sạch không có tạp chất, không có tính axit.
Thùng chàm được chăm sóc hàng ngày, nhiệt độ mát mẻ và không khí trong lành ở vùng núi là điều kiện thuận lợi để lên men một thùng chàm ổn định. Người phụ nữ Tày chăm sóc thùng chàm và nhuộm vải hàng ngày. Từ cổ xưa, qua các thế hệ, họ thường tự nhuộm trang phục lao động hàng ngày. Những thước vải cotton, vải lanh màu xanh chàm, với mùi hương thoang thoảng, thấp thoáng giữ núi rừng và bản làng là hình ảnh bình dị và quen thuộc.Những tấm khăn tạo hoa văn bằng kỹ thuật khâu chỉ, thắt nút tỉ mỉ được tạo nên từ óc thẩm mỹ và bàn tay cần cù khéo léo của người phụ nữ Tày, là sản phẩm mang đậm bản sắc văn hoá, tính nghệ thuật.
 

 

0985793535